Chi tiết bài viết

Đạo diễn Dũng Nghệ: Lạc quan với phim truyền hình Việt

Ngày Đăng: 09/02/2020

Đạo diễn Dũng Nghệ: Lạc quan với phim truyền hình Việt

Từng là cái tên triển vọng của làng phim truyền hình phía Bắc, khi Nam tiến, đạo diễn Dũng Nghệ (tên thật Nguyễn Tiến Dũng) nhanh chóng thích nghi và ghi dấu ấn với các tác phẩm đa dạng của mình.
 

Đạo diễn Dũng Nghệ nhận giải Đạo diễn Phim truyền hình xuất sắc nhất tại giải thưởng Ngôi sao xanh 2019

Đạo diễn Dũng Nghệ nhận giải Đạo diễn Phim truyền hình xuất sắc nhất tại giải thưởng Ngôi sao xanh 2019

Vừa trở về từ chuyến tham dự Giải thưởng Truyền hình châu Á lần thứ 24, đạo diễn Dũng Nghệ đã có những chia sẻ với PV Báo SGGP.

- PHÓNG VIÊN: Điều gì đọng lại trong anh sau chuyến đi tham dự Giải thưởng Truyền hình châu Á lần thứ 24?

 * Đạo diễn DŨNG NGHỆ: Đó là chuyến đi vô cùng đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một sự kiện nghề nghiệp mang tầm châu lục. Sự kiện kéo dài suốt 3 đêm với hơn 50 hạng mục được vinh danh. Bên cạnh sự trang trọng và quy mô, điều khiến tôi ấn tượng nhất là có cơ hội được gặp gỡ và giao lưu với nhà sản xuất (NSX), đồng nghiệp đến từ các nước có nền công nghiệp truyền hình hàng đầu châu Á, để từ đó có cái nhìn toàn diện về xu hướng phát triển của dòng phim truyền hình trong kỷ nguyên số. Có thể nói, ngoại trừ những hạn chế trong khâu đầu tư cũng như phương tiện kỹ thuật, về mặt nội dung, chúng ta cũng có những thế mạnh riêng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước bạn nếu được quảng bá tốt.

- Vậy theo anh, đâu là thế mạnh để các nhà làm phim Việt tự tin cạnh tranh với nước bạn?

 * Về mặt nội dung, không có gì hơn là vấn đề bản sắc dân tộc, bản sắc mỗi vùng miền để có thể tạo ra dấu ấn đặc biệt trong tác phẩm. Chúng ta có 54 dân tộc với rất nhiều chất liệu để khai thác. Đối với thị trường khu vực, phim Việt Nam vẫn là điều mới mẻ, đó cũng là lợi thế. Vì trước giờ chúng ta vẫn tập trung phát triển thị trường trong nước chứ chưa tính toán nhiều đến việc xuất khẩu phim truyền hình.  

Khi giao lưu với các nhà làm phim Singapore, họ chia sẻ, mỗi tập phim truyền hình của họ có kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Trong khi ở trong nước, con số này trung bình chỉ 180 triệu đồng/tập. Tất nhiên, đối với phim, câu chuyện mới có sức mạnh, nhưng kinh phí cao sẽ có điều kiện làm chỉn chu hơn. 

Các nhà làm phim nước ngoài cũng chia sẻ, phim truyền hình của nhiều nước hiện đang khá giống nhau về đề tài, bối cảnh, câu chuyện... Phim Việt vẫn là ẩn số và biết đâu, nó sẽ là món ăn mới mẻ, hấp dẫn nếu chúng ta mạnh dạn đầu tư cho khâu quảng bá. Hiện tại, nếu chưa bán được phim, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện theo hình thức hợp tác sản xuất, chiếu miễn phí..., giống như một số nước đã làm. Trước đây, nhiều phim nước ngoài bán bản quyền cho Việt Nam gần như cho không, nhưng sau đó hiệu quả họ thu lại rất lớn. 

- Thực tế, phim truyền hình thời gian qua đã có những dấu hiệu khởi sắc nhất định. Là người trong nghề, anh nhìn nhận điều đó như thế nào?

 * Tôi thấy đó là tín hiệu lạc quan, nhưng các nhà làm phim phía Nam cần mạnh dạn hơn nữa về mặt đề tài. Họ thường khá nhanh nhạy với thị trường, nhưng có hạn chế là hầu hết các hãng phim tư nhân thường né phim có tính xã hội cao (thường được biết đến là dòng phim chính luận). Tôi từng có những kịch bản gai góc, khi đi chào hàng các NSX, dù rất thích nhưng họ không dám làm. Họ chọn con đường an toàn, có khả năng thu hút khách hàng quảng cáo, chứ chưa tính đến việc thu tiền quảng cáo ngược trở lại khi phim phát sóng. Do đó, phim truyền hình phía Nam sẽ khó có tính đột phá cao ở mảng đề tài này; nếu thị trường phim miền Nam bỏ qua các đề tài xã hội, dần dần sẽ bị tụt lại. 

- Nhưng thời gian gần đây, sự giao thoa ở lĩnh vực phim truyền hình ngày càng rõ nét...

 * Đó đang là xu hướng chuyển động tích cực. Giám đốc MT Pictures từng chia sẻ, họ thích phim tôi làm vì có chất của người miền Bắc bởi sự chỉn chu, điềm tĩnh, chậm rãi trong cách xử lý. Trong khi đó, các diễn viên phía Nam ra Bắc đóng phim ngày càng nhiều cũng mang đến không khí mới. 

- Sau gần 10 năm Nam tiến, anh thấy mình thay đổi về con người và nghề như thế nào? 

 * Quyết định Nam tiến là sáng suốt. Nó cho tôi những trải nghiệm cả về cách sống, hiểu biết, quy trình sản xuất phim 2 miền, góp phần tạo nên bản sắc cá nhân. Tôi có những thế mạnh nhất định, thể loại nào mình cũng có thể làm được từ hành động, tâm lý xã hội, hài...; cũng như khả năng cập nhật, hòa nhập, thích nghi tốt. Sự đa dạng ấy chỉ có được khi mình đi nhiều, làm nhiều ở các vùng miền.  

- Nhưng đổi lại, dường như anh vẫn thiếu một tác phẩm để chỉ cần nhắc là khán giả lập tức nhớ?

 * Đến hiện tại, tôi vẫn chưa hài lòng với bất kỳ tác phẩm nào của mình và vẫn đang nỗ lực hết mình để có một bộ phim mà khi nhắc đến sẽ mang đậm dấu ấn cá nhân. Tôi biết mình làm được gì, những gì chưa làm được, khả năng đến đâu. Chính vì vậy, tôi đang khao khát được làm một bộ phim chính luận mang màu sắc phương Nam. Tôi vẫn đang nỗ lực từng ngày và tìm kiếm cơ hội. 

- Có phải vì là người kỹ tính, lại không thích bon chen nên anh chọn con đường đi chậm mà chắc? 

 * Một người bạn từng nói với tôi rằng, với hơn 10 năm làm nghề, có nhiều tác phẩm, được các NSX nhớ mặt, nhưng tại sao không chú trọng việc truyền thông. Tôi đã trả lời rằng: Tưởng chỉ diễn viên mới quan trọng truyền thông, còn với đạo diễn, NSX biết đến mình là được rồi? Nhưng thực ra, nó còn liên quan đến tính cách. Tôi thích sống sâu lắng, nội tâm. Sau mỗi bộ phim, tôi thích lặng lẽ một mình, quay về với gia đình, con cái. Tôi thích được ghi dấu ấn trong nghề hơn là sự nổi tiếng. Nhưng tôi nghĩ, mình cũng cần thay đổi trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân.

- Ấp ủ về dự án điện ảnh đầu tay của anh? 

 * Để đi con đường mình vạch ra, có thể là 3-4 năm tới, hoặc biết đâu, có duyên trong năm 2020, tôi sẽ được bước lên màn ảnh rộng.


Bài viết liên quan